Các chuyên gia cho rằng lần tăng giá điện này rất khó hiểu và vô lý. Thế nhưng, theo EVN, nếu tính đúng, tính đủ thì phải tăng 12,8%.
Giá điện tăng 7,5%: Chuyên gia nói cao, EVN kêu thấp. Các chuyên gia cho rằng lần tăng giá điện này rất khó hiểu và vô lý. Thế nhưng, theo EVN, nếu tính đúng, tính đủ thì phải tăng 12,8%.
Minh chứng giá điện Việt Nam không thấp như EVN nói. Tháng 1/2015, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã trình lên Bộ Công Thương lộ trình tăng giá điện với các mức tăng lần lượt là 7,5%, 8,5% và 9,5%.
Sở dĩ có đề xuất này là vì theo EVN, kể từ tháng 8/2013 đến nay, giá điện chưa tăng lần nào. Mặt khác, chi phí đầu vào cho việc sản xuất điện khiến EVN tăng chi phí lên khoảng 10.941 tỷ đồng, trong đó giá than trên 4.400 tỷ đồng, giá khí vượt bao tiêu tăng thêm hơn 3.300 tỷ đồng…
Trước mức xin tăng giá 9,5% của EVN thì Chính phủ đã quyết định chỉ tăng 7,5% (tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh) từ ngày 16/3.
Trong buổi chia sẻ với VTC News, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng lần tăng giá điện này rất khó hiểu và vô lý. “Tăng giá lần này không thể nói để bù lỗ được. Các con số để tăng giá đưa ra đều không hợp lý. Khi tăng giá điện sẽ làm ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống nhân dân, các doanh nghiệp. Không thể lấy việc tăng giá điện tăng CPI (chỉ số giá tiêu dùng) để làm mục tiêu được.” – ông Phong chia sẻ.
Đồng quan điểm với ông Phong, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng đánh giá mức tăng giá điện như vậy là khá cao. Việc EVN và cơ quan chủ quản (Bộ Công Thương) nói chi phí đầu vào tăng cao cần phải có cơ quan kiểm toán độc lập kiểm toán, chứ không thể để bộ chủ quản kiểm soát, như vậy là không khách quan. Còn cơ quan thẩm định là Bộ Tài chính cũng khó để đánh giá hết đầu vào của ngành điện. “Việc lấy giá điện các nước để so sánh với giá điện của ta là khập khiễng, bởi cơ cấu giá thành điện của Việt Nam khác các nước trong khu vực"- ông Long phân tích.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng lên tiếng: “Lạm phát thấp tạo cơ hội dư địa chính sách lớn cho Chính phủ trong việc điều hành giá điện tới đây để tự do hóa ngành này và thu hút đầu tư.” Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, dù lạm phát thấp là cơ hội lớn để tăng giá điện song nếu giá điện tăng tới mức như vậy là quá cao. “Nếu không có các giải pháp khác đi kèm có thể sẽ ảnh hưởng lớn tới thành quả kiềm chế lạm phát thời gian qua bởi giá cả nhiều hàng hóa, chi phí sẽ tăng lên nếu giá điện tăng mạnh…” – ông nói.
Bên cạnh đó, TS Ngô Tuấn Kiệt, Chủ tịch Hội đồng khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) khuyến cáo người dân đừng hy vọng giá điện có thể giảm, bởi theo thực tế khách quan, nó sẽ chỉ tăng mà thôi.
Đi ngược lại với những đánh giá của các chuyên gia, EVN và Bộ Công thương lại cho rằng mức tăng này không ảnh hưởng đến bức tranh kinh tế nhiều như vậy. Theo tính toán của Bộ Công Thương thì việc tăng giá điện không tác động nhiều đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Mức tăng này cũng chỉ tác động đến giá thành sản xuất của doanh nghiệp từ 0,2 - 0,8%. Mặt khác, việc tăng giá lần này có thể làm tăng lên 0,36% chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2015.
Còn theo EVN nhẩm tính, với mức tăng 7,5% thì các hộ gia đình chỉ phải trả thêm 5.000 đồng mỗi tháng (khi dùng dưới 100 số điện), các hộ dùng nhiều hơn thì phải trả thêm ít nhất 59.064 đồng/tháng. Đồng thời, đối với các hộ kinh doanh, tùy theo mức tiêu thụ, giá thành điện trong sản xuất sẽ tăng tối đa 0,6%.
“Thực tế, nếu tính đúng đủ thì giá điện phải tăng 12,8%.” - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Đinh Quang Tri chia sẻ với báo chí vào chiều ngày 6/3 vừa qua.
Nguồn: baodatviet.vn
Gửi bình luận của bạn